Từ cá hồi cho đến sữa
Chị Nguyễn Thị Lụa trú tại Hoàng Quốc Việt, Hà Nội đưa con gái 7 tháng tuổi đến khám dinh dưỡng tại phòng khám dinh dưỡng số 2, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tại Vũ Ngọc Phan, Đống Đa, Hà Nội. Chị Lụa kể khoảng 1 tháng nay cháu bé lười ăn, ngủ hay giật mình quấy khóc.
Chị Lụa cho biết, các món ăn chị Lụa đều xay để trong tủ lạnh ăn dần. Kể về thực đơn cho con, chị Lụa tâm sự mỗi ngày con chị phải ăn hết 1 hộp váng sữa, một hộp sữa chua, 3 ly sữa bột Similac, cháo ăn dặm đều chủ yếu là cá hồi. Chị Lụa làm thế vì trong cá hồi có chứa nhiều DHA nên vợ chồng chị cố gắng tẩm bổ cho con. Không chỉ lựa chọn cá hồi, chị Lụa còn xay cả nhân óc chó cho vào cháo cho con. Việc chọn sữa bột cũng thế, chị Lụa cho rằng sữa đắt, chứa DHA là sữa an toàn và không tiếc tiền bỏ ra mua cho con.
Tuy nhiên khi làm xét nghiệm dinh dưỡng, bác sĩ cho biết cháu bị thừa vitamine D, nhưng lại thiếu canxi. Ngoài ra với việc bổ sung DHA như chị Lụa đang làm là không cần thiết.
Tương tự nhà chị Lụa, chị Mai ở Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội cho biết từ khi có con, vợ chồng chị cũng thắt chặt chi tiêu mà chỉ tập trung vào việc chọn cho con được loại sữa tốt nhất.
Theo chị Mai sữa là nguồn bổ sung DHA tốt nhất cho con. Lần nào đi tìm mua sữa chị cũng hỏi về sữa đó có DHA không mà chẳng cần quan tâm việc con có thích, có hợp hay không. Để có thể đáp ứng được nhu cầu DHA mà chị mong muốn con hấp thụ được, mỗi tháng chi phí cho tiền sữa bột đã mất hơn 2 triệu đồng. Đó là chưa kể các khoản tiền thực phẩm khác. Trong khi đó, đến nay dù đã 27 tháng tuổi nhưng cháu bé vẫn nặng 12kg. Theo tiêu chuẩn chiều cao cân nặng của WHO vẫn bị thiếu.
Việc tìm các nguồn bổ sung dinh dưỡng cho con khiến vợ chồng chị Mai đau đầu. Chính vì thế chị phải tìm đến Viện dinh dưỡng để được tư vấn.
DHA như thế nào là đủ?
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, DHA có vai trò cần thiết cho phát triển hoàn thiện chức năng nhìn của mắt và hệ thần kinh. Nghiên cứu trên động vật thí nghiệm thấy DHA có nồng độ cao trong tổ chức thần kinh như võng mạc mắt, tổ chức não. Việc thừa DHA không nguy hiểm như vitamine D nhưng không cần thiết, gây lãng phí.
Việc cho trẻ ăn uống để bổ sung DHA là cần thiết nhưng không phải dùng bất cứ cách nào. Nhiều trẻ biếng ăn vì bị ép ăn cá hồi, ép uống sữa quá nhiều khiến trẻ sợ. Quan niệm đó là sai lầm vì theo bác sĩ Hưng, lượng DHA trong sữa rất ít.
Các thực phẩm tự nhiên khác cũng có DHA nên không nhất thiết phải ép con bổ sung DHA kiểu đó. DHA có nhiều trong dầu cá, cá và thủy sản, DHA cần thiết cho phát triển hoàn hảo võng mạc mắt và não bộ trẻ em. Việc ăn cá, thủy sản thường xuyên sẽ cung cấp cho cơ thể đủ DHA.
DHA là từ viết tắt của Docosa-Hexaenoic-Acid là axit béo không no cần thiết thuộc nhóm axit béo Omega-3. Những axít béo không no cần thiết này cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được mà phải đưa vào từ nguồn thực phẩm.
Theo khuyến cáo của WHO (1990), tổng số chất béo trong khẩu phần nên từ 15-30% năng lượng, trong đó chất béo không no có nhiều nối đôi PUFA: Polyunsaturated Fatty Acid gồm omega-3, omega-6 nên có từ 3-7% tổng năng lượng; khoảng 0,6-0,8g/kg thể trọng/ngày (tối đa 1,5g/kg thể trọng/ngày). Trong đó axít béo omega-6 (Lioleic acid) 40-60mg/kg thể trọng/ngày; tổng số axit béo nhóm omega-3: 50-150mg/kg/ngày, trong đó DHA nên 35-75mg/kg/ngày. Tỷ số DHA: AA nên từ 1:1 tới 1:2 là thích hợp.
Còn Tiến sĩ Trương Hồng Sơn Viện nghiên cứu Y sinh cho biết hiện nay tâm lý chọn sữa cho con, nhất là các loại sữa đắt tiền với những mỹ từ bổ sung DHA giúp trẻ thông minh cao lớn của nhiều phụ huynh đều không có tác dụng.
Hơn nữa, không phải sữa đắt tiền là sẽ có nhiều DHA vì trong sữa có các tiêu chuẩn rõ ràng. Lựa chọn sữa hay các thực phẩm tốt nhất nên chọn theo túi tiền của gia đình mình. Có thể thay cá hồi bằng cá chép vì trong cá chép cũng có nhiều DHA.
Categories: sữa bột similac
0 nhận xét:
Đăng nhận xét